Đối với khoảng 70 đến 100 triệu người dân Trung Quốc ngày nay, 25/4/1999 là ngày đã thay đổi mọi thứ trong cuộc đời họ.

21 năm trước đây, khoảng 10.000 học viên của môn tu luyện tinh thần Pháp Luân Công đã tập trung trước văn phòng thỉnh nguyện gần Trung Nam Hải, trụ sở Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở Bắc Kinh. Họ xếp thành hàng dài trật tự trên vỉa hè, thỉnh cầu chính quyền cấp cho họ một môi trường nơi họ có thể thực hành tín ngưỡng của mình một cách tự do mà không phải sợ hãi. Họ không hề giăng biểu ngữ hay áp phích, cũng không hô vang khẩu hiệu giống các cuộc biểu tình thông thường. Hầu hết chỉ lặng lẽ ngồi thiền định.

The Epoch Times cho hay, vào thời điểm đó, một tạp chí quốc gia vừa đăng một bản tin sai sự thật phỉ báng môn tập. Hàng chục bạn đồng môn của họ đã bị bắt và bỏ tù hai ngày trước tại thành phố Thiên Tân lân cận, sau khi họ đến văn phòng chính phủ để yêu cầu đính chính bài viết trên tạp chí. Chính quyền trung ương cũng đã thông báo rằng các sách Pháp Luân Công sẽ bị cấm xuất bản hoặc lưu hành trên toàn quốc.

Bà Kong Weijing, lúc đó là một nhân viên ngân hàng 49 tuổi ở Bắc Kinh, hôm đó cũng tham gia buổi thỉnh nguyện. Hôm đó trời mây mù, bà đến Trung Nam Hải lúc tầm 7 giờ sáng. Khi quyết định đi, bà đã chuẩn bị sẵn sàng tinh thần cho điều tồi tệ nhất.

Đây là cuộc biểu tình lớn nhất ở Trung Quốc đại lục kể từ vụ thảm sát tại Quảng trường Thiên An Môn vào tháng 6/1989. 

Ký ức thảm khốc về những chiếc xe tăng lăn bánh vào các sinh viên biểu tình ủng hộ dân chủ vô tội ở Quảng trường Thiên An Môn, trong khi quân đội nổ súng vào đám đông, giết chết hàng ngàn sinh viên không vũ trang, vẫn còn vẹn nguyên trong tâm trí của hầu hết người dân Trung Quốc đại lục.

“Bất cứ điều gì cũng có thể xảy ra, nhưng tôi cảm thấy một trách nhiệm cá nhân” phải tham gia thỉnh nguyện, bà nói trong một cuộc phỏng vấn. “Khi môn tập bị bôi nhọ, là một người được hưởng lợi từ Đại Pháp, tôi cần phải lên tiếng”. 

Hồi tưởng lại bản án “bạo loạn” bị gán cho những sinh viên biểu tình ôn hòa tại quảng trường Thiên An Môn một thập kỷ trước, bà Kong khoác lên mình bộ đồng phục ngân hàng và mang theo giấy tờ tùy thân. 

“Tôi đã tin rằng chính quyền sẽ làm điều đúng đắn sau khi họ biết được sự thật,” bà nói.

Pháp Luân Công, hay Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tập truyền thống của Trung Quốc, gồm các bài tập thiền định và bài giảng đạo đức xoay quanh nguyên lý Chân Thiện Nhẫn. Được giới thiệu ra công chúng lần đầu vào năm 1992, Pháp Luân Công đã trở nên phổ biến rộng khắp ở Trung Quốc vào năm 1999, với khoảng 100 triệu người theo tập.

Bà Kong, giống như nhiều học viên Pháp Luân Công khác, không thể tưởng tượng được rằng vào tháng 7/1999, chính quyền Trung Quốc có thể phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng, bắt bớ hàng trăm ngàn người và ném họ vào các trại giam, trại lao động cưỡng bức và trung tâm tẩy não, nơi họ bị tra tấn hàng ngày.

Buổi thỉnh nguyện ngày 25/4 vô cùng tĩnh lặng và ôn hòa, bà Kong hồi tưởng lại. Tuy nhiên, chính quyền Trung Quốc đã mô tả nó như “một cuộc bao vây” tòa nhà chính phủ, để biện minh cho một cuộc đàn áp kế tiếp trên quy mô toàn quốc.

Quang cảnh trên phố Fuyou ở Bắc Kinh vào ngày 25/4/1999, khi hơn 10.000 học viên Pháp Luân Công đến thỉnh nguyện cho quyền tự do tín ngưỡng của mình (ảnh: Minh Huệ).

Trên vỉa hè dọc con phố Fuyou dẫn đến văn phòng thỉnh nguyện, bà đã nhìn thấy nhiều sinh viên, giáo viên, nông dân, và công nhân xếp thành hàng dài hàng dặm. Một người mẹ bế con gái trên tay. Một người cha đẩy chiếc xe đẩy trẻ em. Họ xếp thành những hàng dài dọc theo các dãy tường, đọc sách hoặc tập các bài tập Pháp Luân Công. Một số người trong họ đã tình nguyện đi thu gom rác của đoàn người thỉnh nguyện. Những người thỉnh nguyện cũng chú ý nhượng lại những khoảng trống rộng rãi để xe đạp có thể đi qua.

Chu Dung Cơ, thủ tướng Trung Quốc khi đó, người ủng hộ chính sách cải cách kinh tế, đã đến gặp mặt các học viên. Bà Kong là một trong số ít những người được thủ tướng Chu chọn ngẫu nhiên vào trong nhóm đại diện, nhóm này sẽ được phép vào bên trong để trình bày yêu cầu của đoàn người thỉnh nguyện. Yêu cầu này bao gồm việc thả các học viên tại Thiên Tân và dỡ bỏ lệnh cấm xuất bản các sách Pháp Luân Công. Khi ở bên trong, bà chuyển các yêu cầu đến các quan chức từ văn phòng thỉnh nguyện quốc gia và văn phòng trung ương Đảng, và trao cho họ một cuốn Chuyển Pháp Luân, cuốn sách chính giảng giải các nguyên lý của môn tập.

Trong vài giờ, các học viên Thiên Tân đã được thả. Đến 9 giờ tối, các học viên bên ngoài được thông báo chính phủ đã đồng thuận với các yêu cầu của họ. Thủ tướng Chu và những người khác bắt đầu thu dọn để rời đi.

Nhưng chưa đầy ba tháng sau, vào ngày 20/7/1999, chính quyền Trung Quốc đã phát động một chiến dịch đàn áp sâu rộng. Dưới sự chỉ đạo trực tiếp của cựu tổng bí thư Giang Trạch Dân, ĐCSTQ đã thực hiện một cuộc đàn áp đẫm máu đối với môn tập. Các thủ đoạn bao gồm một chiến dịch tuyên truyền khổng lồ. Đài truyền hình nhà nước Trung Quốc CCTV khi đó đã liên tục phát sóng các chương trình phỉ báng Pháp Luân Công tới hàng tỷ người xem trong nhiều tháng.

Không lâu sau, chỗ làm của bà Kong đã phong tỏa quỹ lương hưu của bà, buộc bà tham gia các lớp tẩy não nhằm ép buộc bà và những người khác từ bỏ đức tin. 

Bà Kong đã phải bỏ trốn sang các khu vực khác, và trong gần một thập kỷ tiếp theo, bà không thể về nhà. Bà phải ở nhờ nhà những người quen, đôi khi chỉ dám ở lại mỗi nơi vài ngày.

Vào tháng 6/2000, để phản bác các tuyên bố trên báo chí nói rằng môn tập đã bị triệt tiêu hoàn toàn, bà Kong đã đến Quảng trường Thiên An Môn để tập các bài công pháp, với hy vọng cho mọi người thấy những người tập Pháp Luân Công như bà không hề bị lay động trước cuộc đàn áp của chính quyền. Cảnh sát đã bắt giữ bà ngay sau đó và giam giữ bà trong hơn 10 ngày. Bà từ chối cung cấp danh tính và bắt đầu tuyệt thực để biểu tình, do đó các cai ngục đã lèn một ống thức ăn vào cổ họng để bức thực bà.

“Chúng tôi có cách để biết được [tên của bà]”, những cai tù nói. “Chúng tôi có thể nhét giấy vào mũi khiến bà nghẹt thở đến chết,” bà Kong nhớ lại lời đe dọa của các viên cai tù khi đó.

Lo sợ những hậu quả gián tiếp cho con trai, chồng bà đã yêu cầu ly hôn vào năm 2000, tuy vậy cảnh sát vẫn không ngừng quấy rối gia đình bà trong nhiều năm sau đó, đồng thời tiếp tục truy tìm tung tích của bà.

“Ông ấy nghĩ rằng chúng tôi có thể tái hôn sau khi cuộc đàn áp kết thúc,” bà Kong nói. “Khi tôi xin lỗi vì không thể mang đến cho ông ấy một mái ấm gia đình, ông ấy đã bảo tôi rằng đừng lo lắng cho ông … và hãy cứ tiếp tục tu luyện”.

Hiện đang sống ở Mỹ, bà Kong cho biết sau ngần ấy năm ĐCSTQ vẫn không thay đổi bản chất lừa dối của mình, như có thể thấy từ cách nó xử lý các cuộc biểu tình ủng hộ dân chủ Hồng Kông vào năm ngoái và việc che đậy sự bùng phát dịch Covid-19 gần đây. 

“Người bạn đại học của tôi từng nói rằng khi [chính quyền này] phản đối điều gì đó, thì trái lại đó có thể là điều tốt”, bà nói.

Minh Huệ, một kênh truyền thông có trụ sở tại Mỹ chuyên theo dõi và thu thập thông tin về cuộc đàn áp do các học viên Pháp Luân Công lập ra, đã thống kê được ít nhất 4.406 ca tử vong do bức hại, và bức hại hiện vẫn tiếp diễn. Họ cũng lưu ý rằng dữ liệu này chỉ là “phần nổi của tảng băng chìm”, do sự kiểm duyệt gắt gao của ĐCSTQ và những trở ngại trong việc thu thập thông tin tại Trung Quốc.

Trong năm qua, gần 10.000 học viên trên khắp 29 thành phố của Trung Quốc đã bị bắt giữ hoặc quấy rối, theo trang web Minh Huệ. Số tiền phạt phi pháp thu được từ các học viên đã vượt quá 1,04 triệu USD.

Sau nhiều năm sống trôi dạt, bà đã đến Mỹ vào năm 2015 để thăm con trai, hiện đang làm việc ở New York, và cũng để lánh nạn.

 “Chỉ từ lúc đó, tôi mới thực sự được đối xử với lòng tự tôn của một con người,” bà nói.

0 0 vote
Đánh giá
guest
0 Bình luận
Inline Feedbacks
View all comments